Đại học Mở Hà Nội - Hanoi Open University

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Chia sẻ lo toan, nhận phần vất vả về mình là điều nên làm

alt
GD&TĐ - Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính thức được ban hành, cũng đồng nghĩa với việc mùa tuyển sinh ĐH, CĐ đã bắt đầu được khởi động. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, các trường đã phát huy quyền tự chủ tối đa theo luật định, đa dạng hóa các hình thức xét tuyển cùng với việc thể hiện trách nhiệm trước người học và xã hội hứa hẹn một mùa tuyển sinh tốt đẹp.

Công khai thông tin là trách nhiệm

Được quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhiều trường đã chọn lựa phương án an toàn nhất để thu hút người học là xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông với những tiêu chí đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Còn đối với các trường có những yêu cầu cao hơn thì việc sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển là tiêu chí đầu tiên.

Theo đúng quy chế tuyển sinh, những trường này sẽ chỉ xét tuyển các thí sinh đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Vấn đề đặt ra là việc công khai thông tin tuyển sinh cần phải được các trường nghiêm túc thực hiện, vì đây là quyền lợi của thí sinh và cũng là trách nhiệm của các nhà trường.

Đến thời điểm này, quy định cứng về công khai mọi thông tin trước mỗi đợt xét tuyển trên trang thông tin điện tử của trường được xã hội và các chuyên gia tuyển sinh cho là điều bắt buộc và cần phải thực hiện. Theo đó, các nội dung cần phải công khai là: Chỉ tiêu của các ngành đối với đợt xét tuyển đó; Trường hợp sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành, trường cần quy định mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các tổ hợp hoặc chỉ tiêu dành cho mỗi tổ hợp.

Đồng thời, công khai cách thức xử lý khi các thí sinh có cùng điểm xét tuyển; các điều kiện bổ sung (nếu có); Điểm xét tuyển của trường hoặc từng ngành. Điểm xét tuyển không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.

Khẳng định đây không chỉ là quyền tự chủ mà còn là trách nhiệm của các nhà trường, PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, thẳng thắn cho rằng: Việc công khai minh bạch về tuyển sinh là trách nhiệm của các nhà trường với thí sinh.

Công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường và các phương tiện thông tin đại chúng quy định xét tuyển vào các ngành của trường với tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển hay cách thức xét tuyển giữa ngành thứ nhất và thứ hai theo thứ tự ưu tiên trong Phiếu đăng ký xét tuyển của thí sinh cùng với chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành theo từng phương thức xét tuyển, cần phải được coi như trách nhiệm của lương tâm vì thí sinh rất cần và muốn biết điều đó.

Linh hoạt xét tuyển, nhận vất vả về mình

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng đánh giá cao việc xác định mức điểm ưu tiên theo quy định tại Khoản 5, Điều 7 được tính đối với thang điểm 10 và tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển là 30. Theo đó, yêu cầu của Bộ GD&ĐT đối với các trường sử dụng thang điểm khác thang điểm 10 hoặc tổng điểm tối đa của 3 môn thi trong tổ hợp xét tuyển khác 30 (trường hợp nhân hệ số môn thi chính), phải quy đổi điểm xét tuyển về thang điểm 10 trên sau đó tiến hành cộng điểm ưu tiên hoặc phải quy đổi điểm ưu tiên về thang điểm mà trường đang sử dụng.

Hay như việc đối với thí sinh học tại các trường THPT có sự thay đổi chế độ ưu tiên là việc làm cần thiết hướng đến công bằng hơn cho thí sinh. Thực tế là với quy định cũ có những thí sinh không đáng được ưu tiên nhưng lại được hưởng.

Liên quan đến việc nộp hồ sơ của thí sinh, TS Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, một trường có sự đa dạng về nguồn tuyển và tính vùng miền của người học, cho rằng: Quy định linh hoạt trong phương thức nộp hồ sơ, ngoài 2 phương thức bằng thư chuyển phát nhanh và đăng ký trực tuyến, nhà trường có thể quy định thêm các phương thức khác tùy thuộc vào điều kiện thực tế của trường nhưng không gây khó khăn, tốn kém cho thí sinh và bức xúc xã hội là hợp lý. TS Đặng Lộc Thọ phân tích: Quy định như vậy sẽ thuận lợi hơn cho thí sinh và nhà trường.

Trường thì vẫn được chủ động các phương án thu nhận hồ sơ, nhưng phải đảm bảo việc thu nhận không gây áp lực cho thí sinh. Còn với thí sinh, việc quyết định nộp theo cách thức nào, họ sẽ căn cứ vào những phương thức tiếp nhận của trường đã công bố để lựa chọn phương thức nộp hồ sơ phù hợp, thuận tiện nhất cho mình.

Các trường chủ động xác định điểm trúng tuyển là điều được TS Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, tán đồng. Ông cho rằng hiện có nhiều ý kiến lo ngại rằng quy định xét tuyển năm nay có lợi cho thí sinh nhưng lại khiến các trường gặp khó khăn do thí sinh ảo. Đây là điều có thể xảy đến nhưng cũng không đến mức quá lo vì chúng ta có thể xử lý được.

TS Trương Tiến Tùng đưa ra ví dụ: Như năm nay, mỗi thí sinh được nộp vào 2 trường, dự kiến là sẽ có ảo như những năm thi 3 chung khi đó thí sinh thường thi 2 khối xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, Quy chế tuyển sinh đã quy định nếu thí sinh trúng tuyển và chấp nhận thì phải nộp Giấy báo kết quả thi trong thời hạn quy định để khẳng định nguyện vọng nhập học tại trường đó.

Thêm nữa, việc không quy định điểm trúng tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước để các trường chủ động xác định điểm trúng tuyển phù hợp, tránh rủi ro gọi thiếu chỉ tiêu. Cũng như việc khuyến khích các trường lập nhóm xét tuyển chung với phần mềm xét tuyển của nhóm sẽ loại được ảo. Tất nhiên, để thực hiện lọc ảo sẽ khá vất vả, nhưng chúng ta nên nhận phần vất vả vào mình để chia sẻ lo toan với thí sinh và xã hội là điều nên làm!

 

Quy định đối với thí sinh đăng ký vào trường sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển: Có đủ điều kiện tham gia tuyển sinh quy định tại Điều 6 của Quy chế tuyển sinh; Đã đăng ký sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ; Tổng điểm các môn thi của tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển do trường quy định và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống; Đáp ứng các yêu cầu khác về điều kiện xét tuyển do trường công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường.

 

Hạ An

Báo Giáo dục & Thời đại

Thứ Ba, 22/3/2016