Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học kỳ vọng nâng cao chất lượng và phát triển có trọng tâm hình thức đào tạo từ xa.
So với Quy chế 40/2003 (Quy chế về tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra, cấp chứng chỉ, văn bằng tốt nghiệp theo hình thức giáo dục từ xa ban hành kèm theo Quyết định số 40/2003/QĐ-BGD&ĐT, ngày 08 tháng 8 năm 2003), Quy chế 10/2017 đã hoàn toàn “lột xác” thể hiện qua sự thay đổi mạnh mẽ cả về kết cấu lẫn nội dung.
Từ chỗ có tới 7 chương, 46 điều đối với quy chế 40/2003, quy chế mới cô đọng trong 4 chương, 17 điều thể hiện sự chắt lọc kỹ càng trong việc biên soạn. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi quyết định thành lập nhóm chuyên gia gồm các nhà quản lý, nhà khoa học am hiểu và có kinh nghiệm trong công tác đào tạo từ xa tới từ Viện Đại học Mở Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam,... Nhóm chuyên gia đã tiến hành thu thập và phân tích số liệu trong thời gian hơn 2 tháng để có thể đưa ra những ý kiến tư vấn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực trạng đào tạo từ xa ở Việt Nam và đề xuất một số giải pháp đảm bảo chất lượng của Đào tạo từ xa.
Ngay sau khi có kết quả từ đội ngũ chuyên gia, Bộ GD&ĐT giao cho Viện Đại học Mở Hà Nội đăng cai tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo từ xa theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới”. Hội thảo được tổ chức vào ngày 21/4/2017 với sự tham dự của gần 150 nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các đại học, học viện, trường đại học có đào tạo từ xa và các Bộ, Ban, Ngành có liên quan. Qua Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến có giá trị đóng góp vào dự thảo quy chế đào tạo từ xa nói riêng và công tác nâng cao chất lượng đào tạo từ xa nói chung.
TS. Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội điều hành một phiên của Hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức
Quy chế mới quy định chặt chẽ hơn về điều kiện thực hiện và đảm bảo chất lượng chương trình. Đưa mạnh các quy định về ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ cho tổ chức, quản lý đào tạo từ xa, hệ thống học liệu điện tử,...
Công nghệ hiện đại phục vụ đào tạo từ xa tại Viện Đại học Mở Hà Nội
Tổ chức đào tạo đại học từ xa được thực hiện theo hình thức tín chỉ, tăng cường vai trò tự học phù hợp với ĐTTX. Hệ thống đào tạo từ xa của cơ sở giáo dục đại học phải được xây dựng hoàn chỉnh, phù hợp với phương thức đào tạo từ xa lựa chọn. Việc thực hiện chương trình phải được xác định trong sứ mạng, tầm nhìn, phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở giáo dục đại học.
Với quy chế mới này, chương trình đào tạo, ngân hàng đề thi, kiểm tra đánh giá đều được sử dụng theo các tiêu chuẩn của đào tạo chính quy. Trong đó phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định và đặc biệt là kiểm định ngoài.
Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT ngày 28/4/2017 và Quy chế đào tạo từ xa kèm theo là cơ sở pháp lý thuận lợi để các cơ sở có đào tạo từ xa có thể phát triển đào tạo từ xa theo đúng định hướng. Hạn chế tối đa việc đào tạo từ xa tràn lan, những cơ sở đào tạo cần đạt những yêu cầu nhất định trong Quy chế để có thể triển khai đào tạo từ xa. Đặc biệt là đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng của đào tạo từ xa tiệm cận với đào tạo chính quy bằng việc sử dụng các chương trình đào tạo, ngân hàng đề và cách thức đánh giá của đào tạo chính quy.
Sự ra đời của Thông tư này cũng kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân có nhu cầu được học tập, phát triển năng lực cá nhân và tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội học tập như Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 về việc Phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” của Chính phủ đã ban hành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội thảo
Phát triển đào tạo từ xa cần có trọng tâm, kỳ vọng vào các trường có tiềm lực và uy tín trong đào tạo từ xa như Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh như phát biểu chỉ đạo Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo từ xa theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới” của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.