Đại học Mở Hà Nội - Hanoi Open University

Giáo dục mở và từ xa: Mở rộng cơ hội học tập

(Theo VnMedia) - Giáo dục từ xa – có thể nhiều người chưa quen thuộc với khái niệm này. Tuy nhiên, đây đã trở thành một bộ phận cấu thành không thể tách rời của hệ thống giáo dục tại nhiều nước trên thế giới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu này vào “Chiến lược phát triển giáo dục”.

Mở rộng cơ hội học tập

Xét về hình thức truyền tải thông tin giữa người dạy và người học, các học giả trên thế giới phân ra thành 2 loại hình: giáo dục tập trung: mặt-đối-mặt (face-to-face) và giáo dục từ xa (distance education).

Giáo dục từ xa (GDTX) là loại hình mà trong đó người dạy và người học gián cách nhau về không gian và thời gian trong phần lớn quá trình đào tạo. Vì vậy, sự truyền tải thông tin giữa thầy và trò chủ yếu được thực hiện thông qua hệ thống học liệu được biên soạn và chuẩn hoá. Đây là đặc trưng riêng đồng thời cũng là phương pháp luận của GDTX.



Nguyên lý này cũng nhấn mạnh khả năng tự chủ, tự đào tạo của người học. Với hình thức GDTX, người học không bị ràng buộc bởi thời gian eo hẹp khi bận công tác hoặc do hoàn cảnh gia đình. Với những người lao động do nhu cầu công việc cần phải được đào tạo và nâng cấp, cập nhật về kỹ năng nghề nghiệp, trau dồi kiến thức trong khi không đủ thời gian để theo học những lớp học tập trung thì GDTX là giải pháp phù hợp.

small_236891

Ngày 23/10, Bộ GD-ĐT và Viện ĐH Mở Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo Quốc gia về Giáo dục mở và từ xa 2009. Tham dự hội thảo sẽ có đại điện lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đại diện các Vụ chức năng của Bộ, đại diện các trường đại học toàn quốc có Đào tạo từ xa và nhiều nhà khoa học giáo dục.

Hội thảo được Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo thực hiện, nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thường niên lần thứ 24 của Hiệp hội các trường Đại Học Mở Châu Á (AAOU) tại Việt nam vào năm 2010.

 

Việt Nam là một đất nước đang phát triển, trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá, cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đào tạo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 45 triệu lao động, trong đó chỉ có khoảng 10 triệu lao động đã qua đào tạo.

Trong những năm gần đây, nhiều trường mới được thành lập, số lượng tăng rất nhanh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu được đào tạo. Nếu chỉ dựa vào phương thức đào tạo truyền thống giới hạn bởi khuôn viên nhà trường và những lớp học bị khép kín thì khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu đó.

GDTX thúc đẩy sự cởi mở của nền giáo dục, giảm thiểu các rào cản về thời gian, địa điểm, hoàn cảnh kinh tế, tuổi tác và trình độ. Hình thức đào tạo mềm dẻo, linh hoạt này khẳng định các quan niệm học tập suốt đời và giáo dục cho mọi người.

Học liệu mở - cốt lõi của GDTX

Giáo dục từ xa ngày càng phổ biến và là một phương thức học tập cho tất cả mọi bậc học từ một khóa học ngắn hạn chuyên nghiệp tới văn bằng tiến sĩ. Trong mô hình đào tạo này, người học không tham dự các lớp học trong trường mà thay vào đó, các lớp học được mang đến "từ xa" thông qua việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như Internet, truyền hình vệ tinh, video hội nghị, và các phương tiện điện tử khác.

small_236893


Ngày nay, do tiến bộ của Công nghệ Thông tin và Truyền thông, quá trình truyền tải thông tin và tạo môi trường tương tác giữa thầy và trò ngày càng thuận tiện. Phong trào tài nguyên giáo dục mở (còn gọi là học liệu mở) cho phép sử dụng hoặc tái sử dụng miễn phí các tài liệu trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Phương pháp tiếp cận của GDTX với sự ứng dụng CNTT hiện đại đã góp phần làm thay đổi phương pháp dạy và học.

Một yếu tố then chốt trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo và phát triển bền vững của loại hình giáo dục từ xa là học liệu. Theo phương pháp luận của GDTX và kinh nghiệm của các nước trong khu vực, học liệu phải được thiết kế và biên soạn dành riêng cho GDTX, bao hàm cả phương pháp sư phạm và nội dung chuyên môn. Nói cách khác, thông qua học liệu, người dạy không những truyền tải được tri thức, phát triển kỹ năng cho người học mà còn hướng dẫn cách học sao cho hiệu quả và hứng thú.

Ở Việt Nam, học liệu tiện dụng, phổ biến nhất hiện nay vẫn là giáo trình in ấn và được phụ trợ bằng học liệu điện tử dưới dạng đĩa CD, CD-ROM, chương trình trực tuyến, chương trình phát thanh.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng thư viện học liệu mở trên mạng Internet, huy động sự tham gia đóng góp của các trường đại học, cao đẳng. Mọi người có thể truy cập miễn phí, chủ động học tập theo nhu cầu cá nhân.

Giáo dục từ xa ở Việt Nam đã phát triển được 15 năm và đã có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều thành phần. Hiện nay, ở nước ta có khoảng hơn 200 ngàn người đang theo học các chương trình GDTX cấp độ đại học.

Trong số 16 trường đại học trong phạm vi cả nước đang tiến hành GDTX, Viện Đại học Mở Hà Nội là đơn vị dẫn đầu về hệ thống học liệu được biên soạn theo tiêu chuẩn khu vực ASEAN. Viện Đại học Mở Hà Nội là thành viên chính thức của Hiệp hội các Trường Đại học Mở và Tư xa khu vực châu Á (AAOU) và Hiệp hội Giáo dục Mở thế giới.

Đến nay, Viện đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam phát liên tục hơn 10.000 chương trình (mỗi ngày 2 buổi), Đài Truyền hình Trung ương VTV2 phát 2.600 buổi các môn học ngành Quản trị Kinh doanh, Tiếng Anh, các chương trình phổ biến khoa học, Khuyến nông, Làng nghề truyền thống, Tin học.