Đại học Mở Hà Nội - Hanoi Open University

Quá trình xây dựng và phát triển

Chỉ mục bài viết
Quá trình xây dựng và phát triển
Phần tiếp theo
Tất cả các trang

Viện Đại học Mở Hà Nội được thành lập ngày 03/11/1993 theo Quyết định 535/TTg của Thủ tướng Chính phủ:

- Viện Đại học Mở Hà Nội là một trường đại học công lập hoạt động trong hệ thống các trường đại học quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý.
- Viện Đại học Mở Hà Nội là cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu với các loại hình đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội, góp phần tăng tiềm lực cán bộ khoa học - kỹ thuật cho đất nước.
Viện có 13 Khoa bao gồm:
- Khoa Công nghệ Điện tử-Thông tin
- Khoa Công nghệ Sinh học
- Khoa Công nghệ Thông tin
- Khoa Du lịch
- Khoa Đào tạo từ xa
- Khoa Kinh tế
- Khoa Luật
- Khoa Tiếng Anh
- Khoa Tạo dáng Công nghiệp

- Khoa Kiến trúc

- Khoa Tài chính - Ngân hàng

- Khoa Tiếng Trung Quốc

- Khoa Sau đại học
Qua 23 năm xây dựng và phát triển, Viện Đại học Mở Hà Nội đã thực hiện các loại hình đào tạo đa dạng, đó là:
- Đào tạo từ xa truyền thống

- Đào tạo từ xa theo phương thức E-Learning
- Đào tạo tập trung chính qui
- Đào tạo tại chức (hệ vừa học vừa làm)
Thực hiện chủ trương phát triển giáo dục từ xa, Viện đã nâng dần tỷ trọng của loại hình đào tạo từ xa trong cơ cấu các loại hình đào tạo:
- Đào tạo tập trung chính qui: 30%
- Đào tạo tại chức (vừa học vừa làm): 10%
Đào tạo từ xa truyền thống: 30%

- Đào tạo từ xa theo phương thức E-Learning: 30%

Tổng số sinh viên đang theo học tại Viện khoảng 35.000.
Để đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, Viện Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức thực hiện nhiều chương trình giáo dục và đào tạo:
- Chương trình bồi dưỡng kiến thức cho nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều đối tượng khác nhau đáp ứng nhu cầu của nhiều người học có nhu cầu nâng cao trình độ cập nhật kiến thức.
Ngay từ năm 1993, Viện đã tổ chức nhiều khoá đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế, quản lý doanh nghiệp cho nhiều công ty và các tỉnh, thành phố. Viện đã phối hợp với Ban Khoa học Giáo dục của Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện và phát sóng các chương trinh giáo dục dân trí, bồi dưỡng kiến thức như: Nông dân cần biết (Khuyến nông), Chương trình Tin học phổ cập, Chương trình bảo vệ và phát huy các làng nghề truyền thống, Chương trình giáo dục thẩm mỹ về hội hoạ, kiến trúc, Chương trình công nghệ sinh học, Chương trình ôn luyện tiếng Anh,…
- Chương trình đào tạo bậc đại học và cao đẳng của các ngành xây dựng theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Đối với các chương trình đào tạo tại Viện, phương thức đào tạo có thể khác nhau nhưng chương trình đào tạo về cơ bản có một chuẩn mực như nhau.
- Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Đảng uỷ quân sự Trung ương về nâng cao trình độ học vấn của sĩ quan quân đội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Viện Đại học Mở Hà Nội phối hợp với các nhà trường, học viện quốc phòng (Học viện Hậu cần, Học viện Phòng không, Trường Sĩ quan Quân sự quân khu 3,…) đào tạo các chương trình đại học đại cương cho các sĩ quan quân đội.
Kết quả của quá trình đào tạo từ năm 1993 đến nay: Viện đã cung cấp cho xã hội một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của các ngành (Quản trị Kinh doanh, Kế toán, Tiếng Anh, Quản trị Du lịch-Khách sạn, Hướng dẫn Du lịch, Công nghệ Tin học, Công nghệ Sinh học, Điện tử-Viễn thông, Kiến trúc, Mỹ thuật Công nghiệp) với số lượng khoảng 110.000 người.
Tình hình sinh viên tốt nghiệp theo các loại hình đào tạo khác nhau như sau:
- Đại bộ phận học loại hình từ xa và tại chức đều là những người đang làm việc tại các cơ sở thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, vì vậy, khi tốt nghiệp họ đều có việc làm tại các đơn vị họ đang công tác.
- Theo số liệu điều tra sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên loại hình chính qui tốt nghiệp đã có việc làm trung bình là 90,42%. Viện Đại học Mở đứng thứ 11 trong Bảng xếp hạng 25 trường đại học dẫn đầu có tỷ lệ trên 60% sinh viên tốt nghiệp có việc làm theo đúng ngành nghề (theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Để phục vụ cho công tác quản lý, giảng dạy và học tập, trong những năm qua, Viện Đại học Mở Hà Nội không ngừng đầu tư và đã trang bị các phòng máy với trên 1000 máy tính, các phòng thí nghiệm, phòng học tiếng, phòng học từ xa qua mạng, phòng học truyền hình hội thảo, phòng học E-learning, thư viện trung tâm, giáo trình, học liệu nghe-nhìn,… ứng dụng công nghệ tin học - truyền thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.


Qua 23 năm hoạt động, đến nay Viện Đại học Mở Hà Nội có một đội ngũ giảng viên trên 1000 người bao gồm các giảng viên cơ hữu và giảng viên do Viện mời thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, học viện trong và ngoài nước tham gia giảng dạy.

Viện Đại học Mở Hà Nội luôn quan tâm đến các hoạt động của sinh viên: giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên, tổ chức cho sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, các phong trào sinh viên tình nguyện, văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao,… thực hiện mục tiêu góp phần giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, góp phần nâng cao kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên. Hàng năm, Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên được tổ chức tại tất cả các Khoa và chọn ra các công trình nghiên cứu tiêu biểu tham dự Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Viện. Các công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc được gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia các Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học. Một số Khoa thực hiện các chế độ học bổng nhằm khuyến khích sinh viên học tập và rèn luyện.
Viện Đại học Mở Hà Nội duy trì và mở rộng quan hệ với các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế. 
Để phát triển đào tạo từ xa, Viện Đại học Mở Hà Nội thiết lập 108 trạm đào tạo từ xa đặt tại 40 tỉnh, thành phố, tạo thành mạng lưới trải dài khắp cả nước, phục vụ đông đảo người dân từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo.

Viện Đại học Mở Hà Nội có quan hệ hợp tác với nhiều trường Đại học Mở, Đại học Truyền hình, Đại học Từ xa của các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Australia, Canada,…. Viện Đại học Mở Hà Nội là thành viên chính thức của Hiệp hội các Trường Đại học Mở Châu Á (AAOU) và là thành viên của Hội đồng quản trị SEAMOLEC (Trung tâm Đào tạo Mở và Từ xa thuộc Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á).
Trong những năm vừa qua, với quan hệ ngày càng được mở rộng, Viện Đại học Mở Hà Nội thực hiện các Chương trình hợp tác đào tạo quốc tế như:
- Hợp tác với Học viện Kỹ thuật BoxHill (Australia) thực hiện Chương trình Hợp tác Đào tạo quốc tế cấp bằng Cao đẳng các chuyên ngành: Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật Máy tính và Kế toán.
- Hợp tác với Trường Đại học Công nghệ Quốc gia Nga (MATI) thực hiện Chương trình Hợp tác Đào tạo Đại học ngành Công nghệ Thông tin.
Viện hợp tác với Hiệp hội các Trường Đại học cộng đồng Canada triển khai Dự án Phát triển Du lịch cộng đồng (Dự án Du lịch Cộng đồng tai SAPA 2003-2008).
Viện phối hợp với một số Trường Đại học Mở trong khu vực tổ chức liên tục nhiều năm các cuộc Hội thảo Quốc tế về Đào tạo từ xa và đã thu hút được sự quan tâm của nhiều giáo sư, chuyên gia, …
Qua 23 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Đại học Mở Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng kể. Một trong những thành tựu quan trọng nhất đó là: Viện đã thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao: Tạo cơ hội học tập cho nhiều người với các loại hình đào tạo đa dạng: chính qui, tại chức, từ xa, trong đó Đào tạo từ xa là nhiệm vụ chủ yếu.
Viện Đại học Mở Hà Nội đã góp phần khẳng định được vai trò của đào tạo từ xa trong hệ thống giáo dục quốc dân. Ngày nay, đào tạo từ xa đã trở thành chủ trương chiến lược phát triển giáo dục và xu thế của thời đại. Điều này đã được thể hiện tại các Quyết định, Nghị quyết của Chính phủ. Nghị quyết hội nghị lần thứ II của BCH Trung ương ĐCSVN khoá VIII chỉ rõ : «Đa dạng hoá các loại hình giáo dục-đào tạo, … Mở rộng các hình thức đào tạo không tập trung, đào tạo từ xa, từng bước hiện đại hoá hình thức giáo dục…». Quyết định 112/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2015”, Quyết định 164/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển giáo dục từ xa giai đoạn 2005-2010”; ngày 2/11/2005 Chính phủ ra Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về việc “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam” với tầm nhìn tới 2020; Nghị quyết chỉ rõ: “Củng cố các Đại học Mở để có thể mở rộng quy mô, v.v.”    
Trong giai đoạn tiếp theo, Viện Đại học Mở Hà Nội định hướng :
- Tiếp tục thực hiện các loại hình đào tạo đa dạng, tăng cao qui mô loại hình đào tạo từ xa.
- Tiếp tục thực hiện các bậc học: Trung cấp, Cao đẳng, Đại học. Phát triển đào tạo bậc Cao học.
- Mở thêm các ngành học theo yêu cầu xã hội.
- Thực hiện mô hình giáo dục mở, chuyển sang đào tạo theo tín chỉ.
- Chú trọng chất lượng đào tạo song song với việc mở rộng qui mô. Thực hiện nghiêm túc các qui chế, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đào tạo.
- Cải tiến nội dung chương trình đào tạo, công nghệ đào tạo, đặc biệt là đào tạo từ xa nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội. Đổi mới công nghệ đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ truyền thông – tin học cho tất cả các loại hình đào tạo. Phát triển đào tạo từ xa, công nghệ đào tạo từ xa tạo ra nét đặc thù của Viện Đại học Mở Hà Nội.
- Mở rộng hợp tác với các trường đại học trong khu vực và quốc tế thực hiện các Chương trình Hợp tác Đào tạo Quốc tế nhằm đẩy mạnh giao lưu, tiếp thu và nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế của Đại học Mở Hà Nội. Phát triển mối quan hệ truyền thống với các trường Đại học Mở trong khu vực với nhiều hình thức hợp tác: trao đổi thông tin, nghiên cứu khoa học, tổ chức seminar, hội nghị, hội thảo, dự án,… Phát huy vai trò của Đại học Mở Hà Nội trong Hiệp hội các trường Đại học Mở châu Á (AAOU).
- Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng nhà trường.
Với những thành tựu đã đạt được và định hướng phát triển trong thời gian tới, Viện Đại học Mở Hà Nội đang từng bước khẳng định vai trò và vị thế trong hệ thống giáo dục quốc dân.