Đại học Mở Hà Nội - Hanoi Open University

Chủ trương của Đảng và Nhà nước về giáo dục từ xa

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII đã chỉ rõ:
“Đa dạng hoá các loại hình giáo dục-đào tạo, tạo cơ hội cho mọi người có thể lựa chọn cách học phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mình… Mở rộng các hình thức đào tạo không tập trung, đào tạo từ xa… từng bước hiện đại hoá hình thức giáo dục…”
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX chỉ rõ:
“Xây dựng qui hoạch đào tạo nhân lực theo phương thức kết hợp học tập trung, học từ xa, học qua máy tính”; “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính qui và không chính qui, thực hiện giáo dục cho mọi người” (trang 109); “Từng bước xúc tiến việc nối mạng Internet ở trường học, tạo điều kiện học tập, nghiên cứu trên mạng” (trang 110)
Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Bộ Chính trị nêu rõ:
“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo ở các cấp học, bậc học, ngành học. Phát triển các hình thức đào tạo từ xa phục vụ cho nhu cầu học tập của toàn xã hội”
Theo Luật Giáo dục của Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã khẳng định:
“Chương trình giáo dục để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân theo hình thức vừa học vừa làm, học từ xa, tự học có hướng dẫn”
Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010 ban hành theo Quyết định cố 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định:
“Tăng cường cho 2 Đại học Mở về phương tiện, thiết bị, tài liệu để mở rộng hình thức giáo dục từ xa”
Đề án “Phát triển giáo dục từ xa giai đoạn 2005-2010” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 164/2005/QĐ-TTg ngày 04/7/2005) đã nêu:
“Giao nhiệm vụ cho Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở trọng điểm và được tập trung đầu tư để phát triển giáo dục từ xa”
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ (ngày 2/11/2005) về việc “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam” với tầm nhìn tới 2020; Nghị quyết chỉ rõ:
“Củng cố các Đại học Mở để có thể mở rộng quy mô, v.v.”
Trong thời gian tới, Viện có kế hoạch phát triển đào tạo từ xa như sau:
- Tiếp tục mở rộng qui mô đào tạo, ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội.
- Từng bước mở rộng triển khai công nghệ đào tạo từ xa hiện đại, ưu tiến các vùng có điều kiện về cơ sở vật chất và hạ tầng thông tin.
- Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phát triển công nghệ đào tạo từ xa.
- Tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ cho đào tạo từ xa. Đề xuất với Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo có các dự án đầu tư trang thiết bị cho đào tạo từ xa, đẩy mạnh thực hiện các nội dung trong Đề án Phát triển giáo dục từ xa đã được Chính phủ phê duyệt.
- Quản lý chặt chẽ việc thực hiện Qui chế đào tạo từ xa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
- Cải tiến công tác quản lý và đào tạo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người học trong quá trình đào tạo như: cung cấp kịp thời và đầy đủ các giáo trình, học liệu, tài liệu tham khảo, các thông tin… dưới nhiều hình thức (sách giáo khoa, tài liệu nghe-nhìn, tài liệu điện tử, Internet,…); cùng với đầu tư của Nhà nước hỗ trợ trang thiết bị phục vụ đào tạo từ xa tại các địa phương, tạo điều kiện cho người học tiếp cận công nghệ hiện đại;