Đại học Mở Hà Nội - Hanoi Open University

Hoạt động của HOU

Lễ Khánh thành Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ tại Viện Đại học Mở Hà Nội

Được sự đồng ý của Bộ Giáo dục và đào tạo, sáng ngày 25/4/2017, Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức Lễ khánh thành dự án “Đầu tư hạ tầng và triển khai đào tạo theo phương thức Elearning tại Viện Đại học Mở Hà Nội” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

Tham dự Lễ khánh thành, về phía Hàn Quốc, có các đại biểu:

- Ngài Park Sang-Sik – Công sứ, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc

- Ngài Kim Jin Oh - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam.

- Giáo sư Yoon Yong Hyun - Giám đốc Dự án phía Hàn Quốc

* Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, có các đại biểu:

- PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

- GS.TSKH. Trần Văn Nhung – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước

* Về phía các cơ quan Trung ương và Hà Nội, có các đại biểu:

- Ông Phan Huy Hiền – Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân

- Ông Triệu Thế Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

- Ông Nguyễn Đức Tài – Vụ trưởng Vụ tổng hợp, Văn phòng TW Đảng

- Ông Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương

- Ông Vũ Tuấn Dũng – Thành ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối các trường ĐH-CĐ Hà Nội

* Về phía Viện Đại học Mở Hà Nội, có các đại biểu:

-  PGS.TS. Nguyễn Mai Hương – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường

-  TS. Trương Tiến Tùng – Phó bí thư đảng ủy, Viện trưởng, Giám đốc Dự án phía Việt Nam.

Lễ khánh thành nhận được sự quan tâm tham dự của các đại biểu đại diện các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các cơ quan ngang Bộ, các đồng chí Lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, đại diện Lãnh đạo các cơ quan báo chí, truyền hình: Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Giáo dục và Thời đại, Báo Tiền Phong, Báo Dân trí, Báo Thanh tra, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình KTS VTC, Đài truyền hình Hà Nội, Lãnh đạo các Trung tâm hợp tác đào tạo với Viện Đại học Mở Hà Nội, đại diện Lãnh đạo các Trường Đại học trên địa bàn Thành phố, đại diện Đảng ủy – Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ chủ chốt của Viện Đại học Mở Hà Nội.

Trong lời phát biểu chào mừng, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Viện trưởng, Giám đốc Dự án phía Việt Nam chia sẻ: Dự án này được triển khai theo hình thức “cuốn chiếu” nên có đặc điểm là vừa thực hiện vừa khai thác theo các nhiệm vụ đã được nêu lên trong bản kế hoạch tổng thể. Từ các hạng mục của dự án như: Trang thiết bị; Phần mềm quản trị đào tạo; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Đã được Nhà trường vận dụng và huy động  để xây dựng bài giảng, phát triển nội dung, tổ chức đào tạo trực tuyến. Dẫn đến loại hình đào tạo trực tuyến của nhà trường phát triển với qui mô sinh viên ngày càng tăng (đây mới chính là những người đích thực được hưởng thụ thành quả của dự án này).

Với sự đầu tư của dự án, Viện Đại học Mở Hà Nội đã có thể thực hiện được mục tiêu nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đào tạo trực tuyến tại Việt Nam, đưa Nhà trường trở thành đơn vị dẫn đầu trong khối các trường đại học có đào tạo bằng phương thức trực tuyến (E-Learning), từ đó tiến thêm một bước nữa để đến năm 2020 trở thành nhà trường có Đại học ảo (Cyber University) như các trường của các nước tiên tiến trên thế giới, phù hợp chiến lược phát triển ngành của Bộ GD&ĐT.

 

TS. Trương Tiến Tùng – Viện trưởng phát biểu Khai mạc

“Đầu tư hạ tầng và triển khai đào tạo theo phương thức Elearning tại Viện Đại học Mở Hà Nội” là một dự án nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan thuộc Chính phủ Hàn Quốc. Đến tham dự và phát biểu tại Lễ Khánh thành, Ngài Park Sang-Sik – Công sứ, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc cho biết: Dự án đi vào hoạt động đã, đang và sẽ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống đào tạo trực tuyến (E-Learning) của Viện Đại học Mở Hà Nội từ đó từng bước nâng cao chất lượng đào tạo từ xa của Việt Nam. Thông qua việc xây dựng mô hình Đại học ảo Hàn Quốc tại Viện Đại học Mở Hà Nội, dự án được kỳ vọng sẽ đào tạo, bồi dưỡng được đông đảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam cũng như phát triển công nghệ E-learning cùng các học liệu điện tử chất lượng cao. Ngài Công sứ - Tổng Lãnh sự đánh giá cao công tác tổ chức, thực hiện dự án, sự chu đáo của Viện Đại học Mở Hà Nội và mong muốn tiếp tục có những dự án hợp tác tiếp theo.


Ngài Park Sang-Sik – Công sứ, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc phát biểu

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng khẳng định trong bài phát biểu tại buổi lễ: Viện Đại học Mở Hà Nội (VĐHMHN) là đơn vị đào tạo được giao nhiệm vụ chính trị về đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ mở cơ hội học tập cho mọi người. Trong nhiều năm qua, VĐHMHN đã kiên trì thực hiện nhiệm vụ và đã khẳng định và thực hiện tốt mô hình đào tạo đại chúng, đào tạo mở, tiên phong trong đào tạo trực tuyến, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và tạo ra sự bình đẳng về giáo dục - đào tạo cho mọi công dân, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. VĐHMHN đã được Bộ quan tâm đầu tư thông qua các đề tài, dự án nâng cao năng lực đào tạo từ xa trực tuyến. Với sự đầu tư của Dự án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng các hoạt động đào tạo của nhà trường, đặc biệt là đào tạo từ xa trực tuyến ngày càng có chất lượng hơn, đáp ứng số lượng đông đảo người dân, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong thời kỳ mới. VĐHMHN không những triển khai đào tạo qua phương thức trực tuyến có chất lượng, hiệu quả trong phạm vi nhà trường mà còn mở rộng phát triển đến các trường đại học khác của Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT phát biểu tại buổi lễ

Nghi thức cắt băng Khánh thành được thực hiện trang trọng với sự tham gia của PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ngài Park Sang-Sik – Công sứ, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc và Ngài Kim Jin Oh - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam; TS. Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội cùng sự chứng kiến của đông đảo đại biểu quan khách đã chính thức đưa Dự án “Đầu tư hạ tầng và triển khai đào tạo theo phương thức Elearning tại Viện Đại học Mở Hà Nội” vào hoạt động. Là đơn vị thụ hưởng, Viện Đại học Mở Hà Nội đã, đang và chắc chắn sẽ sử dụng hiệu quả nhất những cơ sở vật chất và công nghệ hiện đại của Dự án phục vụ sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng Khánh thành Dự án

Cũng trong sáng ngày 25/4, các đại biểu đã có buổi tham quan Phòng truyền thống của Viện Đại học Mở Hà Nội. Tại đây, trưng bày lịch sử hình thành và phát triển và điểm nhấn là triển lãm các giai đoạn phát triển của công nghệ đào tạo từ xa của Nhà trường qua hơn 24 năm, lấy ý tưởng mô tả sự phát triển của công nghệ Đào tạo Từ xa (ĐTTX) thông qua 3 giai đoạn phát triển:

- ĐTTX theo phương thức truyền thống, chuyển học liệu, băng, đĩa hình, băng cát xét tới tay sinh viên. Giảng viên phải đến tận nơi để trao đổi, giải đáp thắc mắc.

- ĐTTX thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình và bắt đầu ứng dụng phần mềm máy tính trong đào tạo. Giảm bớt thời lượng giảng viên vẫn đến tận nơi tận nơi để trao đổi, giải đáp thắc mắc. Một số giờ giảng thông qua hệ thống phát thanh truyền hình.

 - ĐTTX theo công nghệ đào tạo trực tuyến (E-Learning): hệ thống học liệu, giáo trình được cung cấp thông qua hệ thống mạng internet. Học viên và giảng viên trao đổi, giải đáp thắc mắc thông qua môi trường trực tuyến. Các lớp học truyền thống được chuyển thành các lớp học trực tuyến, có giáo viên trực tiếp lên lớp tại Studio của Nhà trường.

 

ThS. Trần Thu Phương - Giảng viên Khoa Du lịch giới thiệu về các thành tựu của Nhà trường

tại Phòng Truyền thống

Tại khu vực các phòng Studio phục vụ giảng dạy trực tuyến, các đại biểu được trải nghiệm những công nghệ hàng đầu của thế giới theo tiêu chuẩn cao nhất của Hàn Quốc. Tại đây, Studio được kết nối với các lớp học tại các địa phương rất xa như Điện Biên, Đà Nẵng, các đại biểu trở thành các giảng viên danh dự, trực tiếp phát biểu và trao đổi với sinh viên tại các điểm cầu và là những người đầu tiên ở Việt Nam cảm nhận được sức hấp dẫn của cụm từ "Đại học ảo" chính tại mái trường Viện Đại học Mở Hà Nội.


 

Ngài Kim Jin Oh - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn quốc (KOICA) tại Việt Nam cùng GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước trở thành Giảng viên danh dự trong ngày Khánh thành Dự án

Hệ thống điều khiển hiện đại tại các phòng Studio giảng dạy trực tuyến

Một số hình ảnh trong Lễ Khánh thành:

GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước trao đổi với các đại biểu và Lãnh đạo Viện Đại học Mở Hà Nội khi thăm quan Phòng truyền thống

Các đại biểu chụp ảnh sau khi thực hiện nghi thức cắt băng Khánh thành Dự án

PGS.TS. Nguyễn Mai Hương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường tặng quà cho các đại biểu Hàn Quốc

Các đại biểu tham quan Triển lãm công nghệ đào tạo từ xa qua các thời kỳ của Viện Đại học Mở Hà Nội

 

 

Tiết mục văn nghệ chào mừng của các sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội

 

Một số bài viết của các báo đưa tin về sự kiện:

1. Báo Nhân dân: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/32704702-tien-toi-xay-dung-dh-ao-dau-tien-tai-viet-nam.html

2. Báo Giáo dục và Thời đại: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/le-khanh-thanh-ha-tang-va-trien-khai-dao-tao-theo-phuong-thuc-elearning-3210582-l.html

3. Báo Quân đội Nhân dân: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/khanh-thanh-du-an-ha-tang-dao-tao-theo-phuong-thuc-elerning-505728

4. Báo Thanh tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/khanh-thanh-du-an-nang-cao-nang-luc-dao-tao-truc-tuyen_t114c8n118160

5. Báo Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/vien-dh-mo-ha-noi-dan-dau-trong-dao-tao-elearning-1143848.tpo

 

 

LIVE: Hội thảo Nâng cao chất lượng Đào tạo Từ xa theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới

 

Đúng 8h00 ngày 21 tháng 4 năm 2017, Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo từ xa theo xu hướng phát triển của khu vực và thế giới” được tổ chức tại Tầng 3, Hoa Sen 1, Khách Sạn Kim Liên (Hà Nội). Hội thảo được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao cho Viện Đại học Mở Hà Nội là đơn vị đăng cai tổ chức.

Tới tham dự Hội thảo, Ban Tổ chức vinh dự được đón tiếp các đồng chí Lãnh đạo, các quý vị đại biểu:

- GS.TS. Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên BCH TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

- GS.TSKH. Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

- Ông Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tổ chức Trung ương.

Hội thảo nhận được sự quan tâm tham dự của các đại biểu đại diện Hội đồng Anh, Đại sứ quán Úc, các Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 30 trường Đại học trên toàn quốc, gần 20 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên các Tỉnh, Thành phố, gần 100 nhà khoa học, các chuyên gia về Đào tạo Từ xa và đông đảo cơ quan thông tấn, báo chí.

Về phía Viện Đại học Mở Hà Nội có sự quan tâm tham dự của:

- PGS.TS. Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường

- TS. Trương Tiến Tùng – Viện trưởng

- TS. Nguyễn Cao Chương – Phó Viện trưởng

- TS. Dương Thăng Long  - Phó Viện trưởng

- TS. Nguyễn Thị Nhung – Phó Viện trưởng

Cùng các thầy cô giáo đại diện Lãnh đạo các đơn vị trong Nhà trường.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao công tác đào tạo từ xa mà các cơ sở giáo dục đang tích cực thực hiện, đặc biệt là hai trường đại học dẫn đầu về kinh nghiệm, công nghệ và chất lượng là Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nêu lên những thách thức trong thời gian tới đối với đào tạo từ xa của Việt Nam trước xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Bộ trưởng mong muốn Hội thảo sẽ thảo luận và đưa ra hướng giải quyết được hai vấn đề:

- Làm sao để nâng cao được chất lượng đào tạo từ xa?

- Hoàn thiện Quy chế Đào tạo từ xa với định hướng làm sao để Quy chế có thể hỗ trợ công tác đào tạo từ xa với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo và Khai mạc Hội thảo

Ngay sau phần phát biểu tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện cho nhóm chuyên gia gồm nhiều nhà khoa học có uy tín trong cả nước, PGS.TS. Lê Văn Thanh – Nguyên Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội trình bày Báo cáo tổng hợp thực trạng Giáo dục Từ xa tại Việt Nam và một số giải pháp nâng cao chất lượng. Báo cáo được hoàn thành trong gần 2 tháng triển khai, là tâm huyết của các nhà khoa học và các nhà quản lý đào tạo từ xa với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực này.

Là đơn vị dẫn đầu cả nước về kinh nghiệm, công nghệ và chất lượng đào tạo từ xa, TS. Trương Tiến Tùng – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội và các báo cáo viên được Ban Tổ chức Hội nghị tin tưởng giao nhiệm vụ điều hành phiên thảo luận về các giải pháp về công nghệ, học liệu, chương trình và quy trình đào tạo từ xa.


TS. Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội điều hành phiên thảo luận

Trong phiên thảo luận này, Hội nghị được lắng nghe 4 tham luận đề dẫn và các ý kiến thảo luận của các nhà quản lý, nhà khoa học tham dự hội nghị:

- Tham luận đề dẫn thứ nhất: Chương trình đào tạo và học liệu – Yếu tố quyết định đối với chất lượng đào tạo từ xa hiện nay của TS. Nguyễn Thị Nhung – Phó Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội.

- Tham luận đề dẫn thứ hai: Hoạt động xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến Funix của ThS. Nguyễn Quyết - Trường ĐH Trực tuyến Funix.

- Tham luận đề dẫn thứ ba: Kiểm định và đảm bảo chất lượng đào tạo từ xa tại Việt Nam: thực trạng và giải pháp, đề nghị của TS. Phan Thị Ngọc Thanh - Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh.

- Tham luận đề dẫn thứ tư: Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông nhằm nâng cao chất lượng cho đào tạo mở và đào tạo từ xa​ của TS. Dương Thăng Long - Phó Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội.

ông Nguyễn Thành Nam - Đại học trực tuyến FUNIX phát biểu thảo luận

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu thảo luận

Hội thảo tiếp tục phiên 2 vào hội 13h30 với nội dung thảo luận về Cơ chế, chính sách cho phát triển đào tạo từ xa tại Việt Nam.

Đại biểu tham gia Hội thảo được lắng nghe các tham luận đề dẫn:

 

Tham luận đề dẫn 1: Vấn đề chính sách trong việc phát triển đào tạo từ xa -ThS. Nguyễn Quang Tân – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cộng đồng Bình Thuận.

 

Tham luận đề dẫn 2: Nâng cao chất lượng để phát triển bền vững đào tạo từ xa - PGS.TS. Vũ Hữu Đức – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Tp. HCM

 

Tham luận đề dẫn 3: Thống nhất văn bằng đại học của các hình thức đào tạo - PGS.TS. Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng trường, Viện Đại học Mở Hà Nội.

 

Hội thảo tiếp tục được lắng nghe các ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy chế đào tạo từ xa. Trong đó, đáng chú ý là ý kiến phát biểu của GS. TSKH Lâm Quang Thiệp. Ông cho rằng, Nhà nước cần phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho hai trường Đại học Mở của Việt Nam là Viện Đại học Mở Hà Nội ở phía Bắc và Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh ở phía Nam bởi sứ mạng của hai trường đại học khi ra đời là đào tạo từ xa. Phát triển đào tạo từ xa nhưng cần có trọng tâm, tránh tràn lan dẫn đến việc khó kiểm soát và đảm bảo chất lượng. Ông bày tỏ sự kỳ vọng của mình vào những chính sách mới với sự năng động, tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

GS.TSKH Lâm Quang Thiệp phát biểu thảo luận

 

Kết luận Hội thảo, GS.TSKH. Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo khẳng định: phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo từ xa là tất yếu bởi nếu đào tạo từ xa của nước nhà không phát triển và không đáp ứng được nhu cầu thì người dân sẽ dần hướng tới học tập tại các cơ sở nước ngoài trong bối cảnh phát triển rất mạnh của đào tạo từ xa trong khu vực và thế giới. Thứ trưởng hoan nghênh tinh thần vượt khó của Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh trong suốt thời gian qua để không ngừng phát triển đào tạo từ xa. Ông mong muốn giáo dục từ xa của Việt Nam sớm được "xuất khẩu" góp phần đưa thương hiệu của giáo dục nước nhà ra khu vực và thế giới. Trong thời gian trước, có một thực tế là không phải nơi đâu cũng có sự đối sử công bằng giữa bằng tốt nghiệp  hệ chính quy và bằng tốt nghiệp hệ từ xa, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng người học hệ đào tạo từ xa có phần suy giảm. Muốn tăng trưởng về số lượng thì đầu tiên phải tính đến nâng cao chất lượng để xã hội có cái nhìn chính xác hơn và thực sự tin tưởng về hệ đào tạo từ xa.

Trong lời phát biểu, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh mục tiêu của Quy chế đào tạo từ xa là để tăng cường chất lượng của đào tạo từ xa. Do vậy, cần quy hoạch phát triển đào tạo từ xa, sẽ không để đào tạo từ xa tràn lan, không thể coi đào tạo từ xa là "nghề tay trái" của các trường mà muốn đào tạo từ xa, các trường phải có sự đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, giảng viên và học liệu. Bộ mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các trường, các nhà khoa học và dự thảo Quy chế đào tạo từ xa. Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới Viện Đại học Mở Hà Nội đã đăng cai tổ chức thành công Hội thảo.


Hội thảo kết thúc vào hồi 17h00 ngày 21/4/2017.


 

Học liệu, công nghệ đào tạo, công nghệ 3 chiều giảng dạy trực tuyến được Viện Đại học Mở Hà Nội trưng bày tại khuôn khổ của Hội thảo:

 

 


 

Lễ Tổng kết, trao giải & trưng bày TP cuộc thi Tìm kiếm tài năng thiết kế sáng tạo và mỹ thuật

Sáng ngày 01- 04 - 2017 tại hội trường A – Viện Đại học Mở Hà Nội đã diển ra buổi Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm kiếm tài năng thiết kế sáng tạo và mỹ thuật trẻ toàn quốc 2017”. Tới dự buổi lễ, về phía nhà trường có PGS.TS Nguyễn Mai Hương - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Trương Tiến Tùng - Phó Bí thư Đảng uỷ, Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Lan Hương - Trưởng Khoa Tạo dáng Công nghiệp, Trưởng BTC cuộc thi, ThS. Lê Trọng Nga - Phó trưởng Khoa Tạo dáng Công nghiệp, Phó BTC cuộc thi, các Thầy, Cô giáo cùng đông đảo các em sinh viên trong Khoa.

Về Phía khách mời có Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam, Hoạ sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh & Triển lãm, các đồng chí đại diện cho Hội Mỹ thuật Việt Nam, cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh & Triển lãm, các hoạ sĩ, giảng viên đến từ các trường nghệ thuật và đặc biệt là đông đảo các em học sinh đến từ các trường Trung học phổ thông trên cả nước, các em là những nhân vật chính của cuộc thi lần này.

Sau thời gian phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 600 bài dự thi từ nhiều cá nhân, nhóm tác giả trên khắp cả nước, tuân thủ đúng thể lệ cuộc thi. Kết quả có 65 tác phẩm được lọt vào vòng chung kết và được chọn trưng bày, triển lãm, trong đó có 18 tác phẩm đạt được giải thưởng của Ban tổ chức và 23 tác phẩm được nhận phần thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Các bài tham gia dự thi đều thể hiện được sự sáng tạo, mới mẻ và độc đáo, đồng thời phù hợp với thông điệp và yêu cầu của ban tổ chức đưa ra. Qua đây, Ban Tổ chức xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Đảng uỷ, Ban giám hiệu Viện Đại học Mở Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh &Triển lãm, các tổ chức cá nhân, các doanh nghiệp,… đã hết lòng giúp đỡ và đồng hành cùng Ban tổ chức để các em học sinh yêu thích nghệ thuật, các nhà thiết kế tương lai có một sân chơi bổ ích và lý thú. Hy vọng cuộc thi đã góp phần khích lệ lòng đam mê sáng tạo cũng như định hướng nghề nghiệp của các em sau này.

Một số hình ảnh về cuộc thi và tại buổi lễ tổng kết, trao giải:

Đọc thêm...
 

Viện Đại học Mở Hà Nội: không chỉ tuyên truyền, tư vấn để học sinh chọn trường mình...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã tới gần đồng nghĩa với việc chọn Trường, chọn ngành của các em học sinh đang ở giai đoạn hết sức gấp rút. Nhận được thư mời tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh của nhiều địa phương và các trường THPT, với sứ mạng “mở cơ hội học tập cho mọi người” và trách nhiệm “xây dựng xã hội học tập”, Viện Đại học Mở Hà Nội gần như ngay lập tức thành lập Ban Tuyên truyền và Tư vấn tuyển sinh do Phó Viện trưởng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhung làm Trưởng ban với mong muốn hỗ trợ đến mức tối đa cho các em học sinh trong mùa thi năm 2017.

Trong nhiều năm trở lại đây, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào Viện Đại học Mở Hà Nội luôn vượt xa so với chỉ tiêu tuyển sinh của Nhà trường, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào và năng lực làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Theo kết quả khảo sát năm 2016, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2015 có việc làm là 92%, trong đó có những ngành 100% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Với uy tín và thương hiệu được xây dựng trong gần 25 năm qua, Lãnh đạo Viện Đại học Mở Hà Nội luôn coi công tác tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh là cơ hội để Nhà trường thực hiện trách nhiệm xã hội, là môi trường để cán bộ, giảng viên của nhà trường thể hiện sức trẻ xung kích vì cộng đồng.

Đọc thêm...
 
JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL