Đại học Mở Hà Nội - Hanoi Open University

Tin tức - Sự kiện

Hội nghị về đào tạo không chính quy năm 2017 - Đổi mới để tồn tại, phát triển và khẳng định

Ngày 23 và 24/8/2017, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội nghị thường niên về đào tạo không chính quy năm 2017 với chủ đề “Đổi mới đào tạo không chính quy nhằm phát triển quy mô và nâng cao chất lượng”. Hội nghị là diễn đàn quan trọng để các bên cùng lắng nghe, thảo luận các vấn đề cấp bách, quan trọng, giúp Nhà trường và các đơn vị hợp tác đào tạo có sự điều chỉnh phù hợp, tạo nên những bước phát triển mới trong sự nghiệp giáo dục và mối quan hệ giữa Viện Đại học Mở Hà Nội với các đơn vị hợp tác đào tạo.

Hội nghị có sự tham dự của TS. Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Quốc Chính – Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và thời đại; các đại biểu đại diện các Sở, Ban, Ngành tỉnh Quảng Ninh; gần 100 đại biểu đại diện cho 55 đơn vị hợp tác đào tạo với Viện Đại học Mở Hà Nội trên toàn quốc và đông đảo cơ quan báo chí, truyền thông. Về phía Viện Đại học Mở Hà Nội có PGS.TS. Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Trương Tiến Tùng – Phó Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng cùng các thầy, cô giáo đại diện Đảng ủy, Ban Giám hiệu, BCH Công đoàn, BTV Đoàn Thanh niên, lãnh đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm trong toàn Viện.

Trong buổi chiều ngày 23/8, Hội nghị mở đầu bằng phiên Tọa đàm giữa Lãnh đạo Viện Đại học Mở Hà Nội và Lãnh đạo các đơn vị hợp tác đào tạo. Phiên tọa đàm diễn ra trong không khí cởi mở, cùng nhau chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cùng góp ý trên diễn đàn đa phương để tìm kiếm các giải pháp tối ưu cho sự phát triển chung của đào tạo không chính quy tại Viện Đại học Mở Hà Nội. Một trong những điểm mấu chốt nhiều đại biểu đề cập và phân tích là cái khó của việc vừa phát triển quy mô vừa nâng cao chất lượng. Các ý kiến của các đơn vị hợp tác đào tạo đều cho rằng, sau khi thông tư 10/2017 và Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành, đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục phát triển công tác đào tạo từ xa một cách bền vững. Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận và tham góp cho định hướng phát triển công tác đào tạo hệ không chính quy năm học 2017-2018 và dự thảo Quy định về tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ xa trình độ đại học tại Viện Đại học Mở Hà Nội.


Quang cảnh phiên Tọa đàm giữa Lãnh đạo Viện và Lãnh đạo, cán bộ các đơn vị hợp tác đào tạo

Trao đổi tại phiên Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Mai Hương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường chia sẻ về chiến lược phát triển của Nhà trường trong thời gian tới. Thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, PGS.TS Nguyễn Mai Hương khẳng định, Viện Đại học Mở Hà Nội luôn kiên định với sứ mạng "mở cơ hội học tập cho mọi người" cùng các giá trị cốt lõi gói gọn trong 16 chữ "Tự chủ toàn diện - Dịch vụ hoàn hảo - Công nghệ hiện đại - Kết nối rộng khắp".

PGS.TS. Nguyễn Mai Hương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường trao đổi tại phiên Tọa đàm

Hội nghị tiếp tục vào sáng ngày 24/8/2017 với sự tham gia của gần 200 đại biểu. Trong lời phát biểu khai mạc, TS. Trương Tiến Tùng – Viện trưởng thay mặt cho Lãnh đạo Viện Đại học Mở Hà Nội bày tỏ sự trân trọng đối với mối quan hệ tin cậy cũng như những đóng góp lớn lao của các đơn vị hợp tác đào tạo trong sự nghiệp giáo dục của Nhà trường. Lãnh đạo Viện luôn luôn lắng nghe, chia sẻ với các đơn vị hợp tác đào tạo, từ đó cùng có sự điều chỉnh phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục, từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng của đào tạo đại học hệ không chính quy. Viện trưởng cũng nhấn mạnh "phải liên tục đổi mới để tồn tại, phát triển và khẳng định thương hiệu". Tiến sĩ Trương Tiến Tùng khẳng định, Viện Đại học Mở Hà Nội có được những bước phát triển lớn mạnh và thương hiệu như ngày hôm nay, cùng với sự cố gắng không ngừng nghỉ của cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường, sự hợp tác tin cậy của các đơn vị là sự chỉ đạo, lãnh đạo sáng suốt của Bộ Giáo dục và đào tạo và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Lãnh đạo các Tỉnh, Thành phố trong cả nước.


TS. Trương Tiến Tùng - Viện trưởng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT đánh giá cao những thành tựu và Viện Đại học Mở Hà Nội đã đạt được trong năm học vừa qua, đặc biệt là những đóng góp quan trọng của Nhà trường trong việc xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam. Là người thường xuyên theo dõi công tác đào tạo của Viện, ông Nguyễn Hồng Sơn cũng chia sẻ những suy nghĩ và bài học kinh nghiệm để đào tạo không chính quy của Viện Đại học Mở Hà Nội tiếp tục phát huy và luôn là lá cờ đầu trong ngành giáo dục.

TS. Nguyễn Hồng Sơn - Phó Vụ trưởng vụ GDTX phát biểu

Các đại biểu tham dự Hội nghị được lắng nghe 05 tham luận và rất nhiều ý kiến chia sẻ, trao đổi của các nhà khoa học, các nhà quản lý và báo cáo viên. Các tham luận và ý kiến xoay quanh vấn đề nâng cao hiệu quả của công tác tuyển sinh và chất lượng đào đại học tạo hệ không chính quy tại Viện Đại học Mở Hà Nội. Ông Hà Hữu Sang - Giám đốc Trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh cho biết, cứ 100 sinh viên do Trung tâm tuyển được thì có 50 đến 60 sinh viên đăng ký theo học chương trình của Viện Đại học Mở Hà Nội. Ông cũng cho biết, Viện Đại học Mở Hà Nội đang có ưu thế lớn về học phí “bình dân”, giảng viên có trình độ, kinh nghiệm và công nghệ đào tạo hiện đại. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra nhiều góp ý quan trọng về việc phối hợp tổ chức đào tạo để tăng cường chất lượng cũng như gia tăng về quy mô đào tạo.


Ông Hà Hữu Sang - Giám đốc trung tâm GDTX Tôn Đức Thắng phát biểu

Trong chuỗi các hoạt động của Hội nghị, gần 50 cán bộ chuyên trách của các đơn vị hợp tác đào tạo được Viện Đại học Mở Hà Nội tập huấn sử dụng phần mềm tuyển sinh. Đây là phiên bản nâng cấp của phần mềm tuyển sinh đã được tập huấn và đưa vào sử dụng năm 2016 với nhiều tính năng mới, giúp các đơn vị quản lý tốt hơn công tác tuyển sinh và quá trình hợp tác đào tạo với Viện Đại học Mở Hà Nội.

Hội nghị kết thúc trong niềm hy vọng của gần 200 đại biểu tham dự, hy vọng về một năm học mới với nhiều thành công hơn nữa trong công tác tuyển sinh và đặc biệt là nâng cao chất lượng giáo dục đại học hệ không chính quy. Trong mỗi đại biểu sẽ đọng lại những kỷ niệm riêng, nhưng hết thảy đều tâm niệm Viện Đại học Mở Hà Nội luôn là mái nhà chung thân yêu của những người đang tràn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời tại Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

 

Đại diện sinh viên của Viện Đại học Mở Hà Nội tại Quảng Ninh tặng hoa chức mừng Nhà trường

 

Tiết mục văn nghệ đặc sắc của sinh viên Viện Đại học Mở Hà Nội tại Quảng Ninh

 

Quang cảnh của Hội nghị sáng ngày 24/8

Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

 

Công nghệ hiện đại và kết nối rộng khắp - điểm mạnh của Đào tạo không chính quy tại Viện Đại học Mở

Từ một cơ sở giáo dục còn chưa nhiều người biết đến, qua 24 năm xây dựng và trưởng thành, Viện Đại học Mở Hà Nội đã khẳng định vị thế của một trường đại học công lập trọng điểm với mô hình giáo dục đại học đại chúng tiên tiến nhằm phát triển quy mô đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo bằng các công nghệ đào tạo thích hợp và hiện đại.

Trong gần 150 nghìn thạc sỹ, cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư tốt nghiệp Viện Đại học Mở Hà Nội có hơn 70% được đào tạo hệ không chính quy. Những con số phần nào nói lên được quy mô đào tạo, uy tín và chất lượng đào tạo không chính quy của một trường đại học được thành lập với sứ mạng “mở cơ hội học tập cho mọi người”.

Tại Viện Đại học Mở Hà Nội, cùng với việc chú trọng xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên, hệ thống giáo trình, học liệu cũng luôn được nhà trường đầu tư phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ hiện đại. Các học liệu phục vụ việc tự học và đĩa CD cho từng học phần liên tục được cập nhật, in ấn, phát hành đáp ứng tối đa nhu cầu của người học. Viện đang triển khai xây dựng bộ học liệu điện tử có dung lượng thông tin lớn với âm thanh, hình ảnh, văn bản, hệ thống bài tập, qua đó sinh viên chủ động luyện tập và tự kiểm tra được kết quả học tập. Các giáo trình cho hệ đào tạo từ xa đã được cải tiến nhiều lần theo chuẩn giáo trình đào tạo từ xa của Trung tâm Đào tạo từ xa khu vực SEAMEO- SEAMOLEC. Khi nhập học, sinh viên của Viện Đại học Mở Hà Nội được cấp tài khoản để truy cập hệ thống thư viện điện tử, trong đó có thể tìm hiểu và nghiên cứu hàng ngàn giáo trình, tài liệu đã được số hóa. Người học có thể tiếp cận học liệu ở mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có thiết bị kết nối internet.

Triển lãm công nghệ đào tạo của Viện Đại học Mở Hà Nội nhận được sự quan tâm của quan khách trong và ngoài nước

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Viện Đại học Mở Hà Nội vẫn từng bước xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo nói chung và đào tạo trực tuyến nói riêng. Đặc biệt trong tháng 5 năm 2017, Dự án “Đầu tư hạ tầng và triển khai đào tạo theo phương thức Elearning tại Viện Đại học Mở Hà Nội” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại đã chính thức được đưa vào khai thác với hệ thống studio giảng dạy trực tuyến hiện đại; các phòng phát triển nội dung, các campus được trang bị máy tính đồng bộ cấu hình cao, tablelet PC và camera hỗ trợ công tác học tập và giảng dạy; các phần mềm bản quyền cùng hệ thống điều khiển hiện đại theo tiêu chuẩn Hàn Quốc. Dự án này góp phần không nhỏ đưa Viện Đại học Mở Hà Nội trở thành trường đại học có công nghệ đào tạo hiện đại bậc nhất, tiến thêm một bước trên con đường xây dựng trường đại học ảo (cyber university) đầu tiên tại Việt Nam.

Luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của Đào tạo không chính quy trong chiến lược phát triển giáo dục sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng người học ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, Viện Đại học Mở Hà Nội một mặt không ngừng nâng cao, đổi mới công tác quản lý đào tạo, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, mặt khác thường xuyên quan tâm và mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.


Lãnh đạo các đơn vị hợp tác đào tạo tại Hội nghị thường niên về đào tạo không chính quy năm 2016 do Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức

Hiện tại, Viện có mối quan hệ hợp tác với 75 cơ sở đào tạo thuộc hơn 40 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam, mang cơ hội học tập đến với nhiều người dân trên mọi miền đất nước, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người khuyết tật,…góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Từ chỗ phối hợp trong công tác quản lý đào tạo đến hiểu và chia sẻ những khó khăn, thử thách trong sự nghiệp trồng người, các đơn vị hợp tác đào tạo đã trở thành những cánh tay nối dài, những người bạn tri kỷ không thể tách rời của Viện Đại học Mở Hà Nội.

Mối quan hệ khăng khít đối với các đơn vị hợp tác đào tạo luôn được Viện gìn giữ, nâng niu và từng bước nâng lên một tầm cao mới. Cùng với việc thường xuyên có sự trao đổi thông tin, hàng năm, Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội nghị về công tác đào tạo không chính quy để các đơn vị hợp tác đào tạo cùng chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi và khó khăn trong quá trình hợp tác và triển khai công tác quản lý, đào tạo. Từ đó, cùng nhau xây dựng một môi trường sư phạm hiện đại, thân thiện, tạo thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, sinh viên giảng dạy và học tập đạt hiệu quả cao.


Niềm vui của thày và trò trong Lễ trao bằng tốt nghiệp đại học hệ không chính quy

Năm 2017, Viện Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội nghị thường niên về đào tạo không chính quy với chủ đề “Đổi mới đào tạo không chính quy nhằm phát triển quy mô và nâng cao chất lượng”. Hội nghị được tổ chức vào ngày 23,24 tháng 8 tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, 55 đơn vị hợp tác đào tạo trên toàn quốc, các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục và đông đảo các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông.

   
JPAGE_CURRENT_OF_TOTAL